Pages

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

VN làm từ nguyên phụ liệu ra đến sản phẩm xuất khẩu để hưởng ưu đãi về thuế.


Cuộc đua đầu tư mới, tăng vốn, mở rộng quy mô... thuộc lĩnh vực đang diễn ra quyết liệt.

Trong cuộc đua này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm ưu thế, với tổng số vốn đầu tư vào ngành dệt may VN hiện khoảng 10 tỉ USD, mục tiêu là làm từ nguyên phụ liệu ra đến sản phẩm xuất khẩu để hưởng ưu đãi về thuế.

Tăng đầu tư, 
nâng công suất

Dù đã tăng thêm hai chuyền sản xuất giày, tương ứng khoảng 20% công suất để nâng năng lực sản xuất lên thành 9 chuyền ngay từ đầu năm 2015, nhưng ông Nguyễn Chí Trung - giám đốc Công ty TNHH giày Gia Định - cho biết vẫn “không đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của các nhà đặt hàng đến từ Mỹ”. Ngoài việc tăng năng lực sản xuất, doanh nghiệp này cũng đã đầu tư hơn 200 tỉ đồng xây dựng cụm công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày ở Tân Uyên (Bình Dương).

“Được xây dựng từ đầu năm 2015 nhưng đến nay đã có 7 doanh nghiệp vào đây hoạt động. Do đó, tôi tin rằng 30ha của cụm công nghiệp này sẽ sớm lấp đầy, bởi nhiều doanh nghiệp sẽ phải chạy đua đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng lợi từ TPP” - ông Trung nhận định.

Ông Trần Quang Nghị, chủ tịch HĐQT Vinatex, cũng cho biết tập đoàn đang có khoảng 12 dự án được triển khai, như dự án sợi Phú Hưng (Huế), sợi Phú Cường (Đồng Nai), sợi Yên Mỹ (Hưng Yên). Riêng về dệt nhuộm, đang có ít nhất bốn dự án rất quan trọng của Vinatex tại Đà Nẵng, Long An, Quảng Ngãi và Nha Trang đang trong giai đoạn chạy “hết tốc lực”.

“Chúng tôi muốn đầu tư nhiều dự án hơn nữa để nâng năng lực tự chủ nguồn cung nguyên liệu, nhưng nguồn vốn có hạn, quỹ đất cho các dự án đầu tư vào khâu nhuộm và trồng bông còn khó khăn... Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong tương lai là không tránh khỏi” - ông Nghị chia sẻ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đang chiếm ưu thế trong cuộc chạy đua để hưởng lợi từ TPP. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2015, khối FDI đã đổ gần 2 tỉ USD đầu tư vào ngành dệt may bằng nhiều dự án khủng, trong đó lớn nhất là dự án sản xuất và chế biến sợi trị giá 660 triệu USD tại Đồng Nai của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc).

Ngoài ra, Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) cũng nhanh chân đầu tư khoảng 274 triệu USD vào công nghiệp phụ trợ ngành công nghiệp may, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy với quy mô đầu tư từ 700 triệu đến 1 tỉ USD nhằm đón đầu những lợi ích về thuế từ TPP.

Lo “cốc mò, cò xơi”?

Theo ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), khi TPP có hiệu lực, các dòng sản phẩm như áo sơmi, quần, đồ thun, đồ thể thao... sẽ “ăn ngay” vào những thị trường xuất khẩu quan trọng của VN, trong đó thị trường Mỹ chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hiện nay của toàn ngành. “Chỉ trừ một số dòng sản phẩm nhạy cảm sẽ cắt giảm theo lộ trình, phần lớn mức thuế sẽ giảm về 0% so với mức bình quân 17,5% như hiện nay. Tốc độ tăng trưởng của ngành cũng sẽ tăng lên 25 - 30%/năm ngay năm đầu tiên TPP có hiệu lực, thay vì ở mức 17 - 18%/năm như hiện tại” - ông Giang dự báo.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho rằng hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đầu tư vào VN hiện nay cũng đáng để nhà làm chính sách VN phải giật mình.

Vì ai mới đang thật sự hưởng lợi từ TPP? Theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, khối doanh nghiệp FDI sẽ hưởng lợi, thậm chí gặt quả sớm từ TPP do cơ cấu sản xuất của ngành dệt may trong nước đang bị “hổng chân”.

Thực tế cho thấy khối FDI chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của VN năm 2014 (24,5 tỉ USD) và 65% trong 10 tỉ USD xuất khẩu ngành da giày.

Theo ông Kiệt, hiện các doanh nghiệp trong nước chỉ mới đáp ứng được chưa tới 1% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ, dưới 20% nhu cầu về vải.

Trong khi TPP yêu cầu nguyên tắc để được hưởng thuế suất tối ưu (0%) thì phải đáp ứng được điều kiện “từ sợi trở đi”, nhưng VN đang nhập sợi và vải phần lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc... - các quốc gia không nằm trong nội khối TPP.

“Không nhiều doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực tài chính để vực dậy ngành công nghiệp phụ trợ quá yếu kém này, dù đã có hơn 5 năm ngồi chờ TPP đàm phán” - một chuyên gia ngành này lo lắng.

Gia công chiếm 70%


Hơn 70% doanh nghiệp ngành may trong nước hiện nay chuyên hoạt động gia công, 20% theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm theo khách hàng chỉ định hoặc tự khai thác), 9% làm được ODM (phối hợp với nhà đặt hàng tạo thêm thiết kế) và mới có 1% làm được OBM (sản xuất, chào hàng và bán hàng trực tiếp tại các trung tâm thương mại nước ngoài).

Theo các chuyên gia, nếu không có sự chuyển động ngành dệt may và da giày VN sẽ khó tận dụng được các cơ hội từ TPP, bởi yếu tố nhân công giá rẻ sẽ không thể tồn tại lâu khi xu hướng tự động hóa, giảm nhân sự trong nhiều khâu sản xuất ngày càng rõ nét hơn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét